trang chủ tin tức xe Vì sao “gã khổng lồ” ô tô Đức mất đi hào quang rực rỡ tại thị trường Trung Quốc?

Vì sao “gã khổng lồ” ô tô Đức mất đi hào quang rực rỡ tại thị trường Trung Quốc?

TRUNG QUỐC - Volkswagen có kế hoạch đầu tư 700 triệu USD vào Xpeng để có cơ hội tiếp cận công nghệ, đẩy nhanh quá trình phát triển xe điện.

Thực tế cạnh tranh ngày càng gay gắt ở quốc gia Đông Á khiến nhiều hãng xe phải tìm ra một con đường mới. Với Volkswagen, các mẫu xe thuần điện chủ đạo của hãng có sự khởi đầu khá chậm chạp ở Trung Quốc, nơi các hãng xe nội địa đang ngày càng chiếm ưu thế khi khách hàng ngày càng chuộc sản phẩm làm ra tại chính quê nhà.

Trong khi Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của Volkswagen và hãng vẫn là thương hiệu bán chạy nhất Trung Quốc ở thị trường xe động cơ đốt trong với 20% thị phần, thì tỷ lệ này ở phân khúc xe điện chỉ là 2,6%, theo Automobility - hãng tư vấn ở Thượng Hải. Lúc này, những thương hiệu Trung Quốc, như BYD, đang đi đầu trong cuộc chạy đua.

Xpeng P7 - mẫu xe điện thứ 2 của Xpeng, cũng là xe đầu tiên hãng xuất khẩu đi thị trường nước ngoài. Ảnh: FDM

Xpeng P7 - mẫu xe điện thứ 2 của Xpeng, cũng là xe đầu tiên hãng xuất khẩu đi thị trường nước ngoài. Ảnh: FDM

Trước đó, series ID được sản xuất cùng các đối tác lâu năm là FAW và SAIC từng giúp Volkswagen biết một số bí quyết từ các đối thủ. Nhưng với Xpeng, Volkswagen được cho là sẽ còn đi được nhanh và xa hơn.

Hãng Đức có thể sử dụng phần mềm tiên tiến của Xpeng, những công nghệ hỗ trợ lái, những hệ thống điều khiển bằng giọng nói cũng như hệ thống thông tin giải trí. Sự hợp tác cũng giúp phát triển các thiết kế cùng một nền tảng mà Xpeng đã sử dụng cho mẫu SUV điện G9 - sản phẩm đầu tiên của Xpeng được thiết kế cho cả thị trường nội địa và quốc tế. Quá trình chuẩn bị cho một sản phẩm mới có thể cần đến 5 năm, nhưng sau khi bắt tay với Xpeng, Volkswagen kỳ vọng ra mắt hai mẫu xe điện mới đến hết 2026.

 

Một số đối thủ Volkswagen dường như không bị áp lực tương tự. Tesla vẫn đang tận hưởng vị trí thứ 2 ở Trung Quốc, trong khi BMW - ở phân khúc cao cấp hơn - không bị cạnh tranh gay gắt như ở thị trường phổ thông.

Sản lượng ôtô hàng năm ở Trung Quốc lúc này đã bỏ xa nhu cầu. Hãng tư vấn tài chính Bernstein ước tính quốc gia này có thể sản xuất 40 triệu xe mỗi năm, gần gấp đôi so với 23,6 triệu xe bán trong 2022. Có quá nhiều thương hiệu tranh miếng bánh thị phần. Theo một hãng tư vấn khác, Alix Partners, hiện có khoảng 167 công ty sản xuất ôtô điện tại Trung Quốc.

Ngoài Tesla, không còn mẫu xe thuộc thương hiệu nước ngoài nào có tên trong top 10 xe điện bán chạy ở Trung Quốc trong nửa đầu năm nay. Ở thị trường xe động cơ đốt trong, những Mercedes, Nissan, General Motors, Honda và Toyota chỉ chiếm tổng cộng khoảng 5% thị phần. Các "tay chơi" Trung Quốc chiếm phần chủ yếu, và họ có ngân sách lớn hơn nhiều cũng như quyền lực giá bán lớn hơn nhiều, khiến cuộc chiến càng trở nên khốc liệt.

Thỏa thuận của Volkswagen và Xpeng nhấn mạnh cách mà các công ty cần thích nghi thật nhanh để duy trì sự ổn định và khả năng cạnh tranh ở Trung Quốc. Khách hàng Trung Quốc chọn mua xe dựa trên trang bị, khoang lái thông minh và các hệ thống thông tin giải trí, theo nghiên cứu của Bernstein - là những lĩnh vực mà các hãng nội địa như Xpeng đầu tư rất mạnh.

Những thứ nêu trên có thể hữu ích trên những đường phố nội đô đông đúc, hơn là những hệ thống phanh tiên tiến hay pin hành trình dài. Chúng còn giúp người sử dụng trở nên khác biệt giữa vô số mẫu xe cùng kiểu loại khi các nhà cung cấp như CATL sản xuất pin cho mọi thương hiệu, từ Geely đến BMW, khiến ôtô điện ngày càng giống nhau, về hành trình cũng như cách tăng tốc.

Nếu các đối thủ của Volkswagen nắm bắt cảm hứng và cũng theo cách tương tự, thì còn rất nhiều đối tác tiềm năng, dù thông qua liên doanh hoặc sáp nhập.

Trong tháng 8, hãng xe Trung Quốc là Leapmotor nói đã bàn thảo với hai công ty nước ngoài đang để mắt tới hệ thống sản xuất mới của họ. Hãng xe điện Nio cũng như chuyên gia về xe hybrid Li Auto cũng đã phát triển phần mềm riêng. Rồi có những thành viên mới như hãng điện thoại thông minh Xiaomi - chuyên gia về kỹ thuật số - nhưng vẫn cần tận dụng lợi thế từ kỹ năng sản xuất của một hãng xe lâu năm.

Tuy nhiên, vẫn có những nguy cơ. Thiết lập quan hệ gần gũi với các công ty Trung Quốc có thể khiến các tập đoàn phương Tây dễ bị tổn thương nếu xảy ra xung đột chính trị, đặc biệt khi họ dựa quá nhiều vào phần mềm và công nghệ của bên thứ ba. Ngoài ra, những khác biệt về văn hóa cũng khiến sự hợp tác khó suôn sẻ. Lúc này, quyết định của Volkswagen có thể khiến các đối thủ đang cân nhắc lập liên doanh trở nên tự tin hơn.

(Nguồn: https://vnexpress.net/hang-xe-khong-lo-duc-mong-vuot-kho-nho-trung-quoc-4646700.html)